Lễ Kỷ Niệm 30 Năm Thành Lập IOC-Champa
Lễ Kỷ Niệm 30 Năm Thành Lập Hội IOC-Champa đã diễn ra tại hội trường nhật báo Người Việt, thành phố Westminster, Nam California vào ngày 24 tháng 11 năm 2018 thành công tốt đẹp.
Sự kiện này đã qui tụ gần 150 người đại diện của các Hội đoàn Champa, đại biểu của Hội Cam-Bốt, The Cambodian Town ở thành phố Long Beach, Cộng đồng Chăm Islam Santa Ana, Fullerton, nhân sĩ, trí thức và thanh thiếu niên từ khắp nơi ở Hoa Kỳ đến tham dự.
Chụp hình lưu niệm vởi quan khách trước lễ khai mạc
Chương trình ngày kỷ niệm này được chia ra làm hai phần: Phần kỷ niệm 30 năm thành lập Hội IOC-Champa vào buổi sáng và phần hội thảo với chủ đề “Phương Thức Bảo Tồn và Phát Huy Ngôn Ngữ Chăm” vào buổi chiều.
Kỷ Niệm 30 Năm
Âm vang điệu trống Ginang hùng hồn cùng hoà nhịp với Baranang, Char, và Ceng đã khai mở cho Lễ Kỷ Niệm 30 Năm Thành Lập IOC-Champa.
Từ trái: Nghệ nhân Bá V. Việnk, Nguyễn H Đạt, Dân biểu Lưu Q. Sang, Châu Amal, và Từ C. Sany
Ái nữ Tiên Kiều và ông Qasim Tu, Tổng thư ký Hội IOC-Champa là hai MC dẫn dắt chương trình, giới thiệu những quan khách đến tham dự. Ngoài Ban Tổ Chức (BTC), các thành viên Hội IOC-Champa và các tình nguyện viên thanh niên còn có sự hiện diện của ông bà Richer San và Sithea San, đại diện cho Hội Cam-Bốt, The Cambodian Town. Ông Andrew Tu, chủ tịch Hội Đồng Phát Triển. Ông Thành Phú Bá, cố vấn Hội Đồng Phát Triển và các hội viên. Cựu dân biểu Lưu Quang Sang, cố vấn Hội Truyền Thống Văn Hoá. Ông Imam Ghazaly Salim và Ông Hamath Smael, chủ tịch cộng đồng Chăm Islam Santa Ana.
Ông Kevin Champa, chủ tịch Hội IOC-Champa đã lên đọc diễn văn phát biểu về ý nghĩa của ngày kỷ niệm 30 năm IOC. Qua đó ông cũng giới thiệu Ban Chấp Hành (BCH) hiện tại để cho bà con thấy những công lao mà họ đã nỗ lực vận động, triển khai kế hoạch để tổ chức ngày kỷ niệm này.
Ban Chấp Hành IOC. Từ trái: Kevin Champa, Rohim Abraham, Đàng Reo, Nại T. Đơn, và Qasim Tu
Tiếp đó, ông Musa Porome lên trình bày slideshow cho quá trình hoạt động của IOC-Champa trong 30 năm qua. Hơn 80 slideshow bao gồm các hình ảnh ghi nhận những công trình, dự án, hội nghị, hội thảo, văn nghệ, và những diễn đàn tham gia các cuộc đấu tranh tại Liên Hợp Quốc ở Âu Châu cũng như tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, v.v mà IOC-Champa đã đạt được từ ngày lập Hội 30 năm về trước, tức là từ ngày 13 tháng 9 năm 1988 tại khách sạn Merlin ở Kuala Lumpur, Malaysia.
Thành tích 30 năm hoạt động của IOC-Champa đã đạt được là do sự đóng góp không mệt mỏi của tập thể hội viên IOC-Champa. Đáng ghi nhận nhất là công trạng của hai vị sáng lập viên của Hội là Phó Gs, Tiến sĩ Po Dharma và ông Hassan Poklaun (Từ Công Thu). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của IOC-Champa không có sự hiện diện của Po Dharma vì lý do sức khoẻ và đang trong tình trạng bệnh nặng. Mặc dù còn rất yếu nhưng ông đã cố sức viết một bức thư chúc mừng BTC nhân ngày kỷ niệm 30 năm thành lập IOC-Champa vào ngày 22 tháng 11 năm 2018 tại bệnh viên ung thư Pháp.
Để ghi nhận những thành tích xuất sắc của những thành viên đã gắn bó và đóng góp cho Hội IOC-Champa trong suốt 30 năm qua, Ban tổ chức đã phân loại và bầu ra những vị ưu tứu đến nhận phần thưởng Danh Dự trong ngày kỷ niệm này. Trong đó gồm có:
A: Sáng lập viên:
- Phó Gs. Ts. Po Dharma (người đại diện nhận phần thưởng, ông Thành Phú Bá)
- Ông Hassan Poklaun
- Ông Rohim Abraham
- Ông Musa Porome
B: Thành viên xuất sắc:
- Ông Sean Tu (Từ Công Nhường)
- Ông Đàng Reo
- Ông Thành Ngọc Vàng (người đại diện nhận phần thưởng, ông Andrew Tu)
C: Cố vấn:
- Ông Tài Đại An
- Ông Kiều Đại Thọ
Thành viên ưu tứu IOC nhận phần thưởng danh dự chụp hình lưu niệm với các thiếu nữ Chăm
Qui chế (By laws) của IOC-Champa cũng được tu chính lại. Ông Hassan Poklaun, sáng lập viên IOC-Champa lên trình bày mục đích và vai trò của Ban Quản Trị (BQT), một cơ cấu mới của tổ chức IOC-Champa.
Sau phần trình bày, ông đã giới thiệu và ra mắt những thành viên trong BQT.
- Po Dharma (ông Thành Phú Bá đại diện)
- Hassan Poklaun
- Tài Đai An
- Kiều Đại Thọ
- Rohim Abraham
- Musa Porome
- Nại Thành Đơn
- Từ Công Nhường
Từ trái: Nại T. Đơn, Từ C. Nhường, Musa Porome, Hassan Poklaun, Tài Đ. An,
Thành P. Bá (đại diện cho Po Dharma), Kiều Đ. Thọ, và Rohim Abraham
Kỷ niệm 30 năm của IOC-Champa không thể không nói đến những điệu múa truyền thống của các thiếu nữ Chăm ở Quận Cam (Orange County). Tiết mục Bến Nước Tình Yêu (Pond of Love) do MC Tiên Kiều đạo diễn là một điệu múa diễn tả những hình ảnh sinh hoạt ngày xưa của các cô gái Chăm thường hay đi lấy nước về dùng hàng ngày bằng cách đội lu nước ở trên đầu ở những bờ ao gần thôn xóm của họ. Những tà áo dài Chăm thướt tha, duyên dáng, yêu kiều với chiếc khăn mbram màu trắng và những bước đi nhịp nhàng của các cô gái trẻ trên sân khấu đã làm rung động trái tim của những chàng trai trố mắt nhìn thầm thì khen ngợi.
Điệu múa “Bến nước tình yêu” được trình bảy bởi các thiếu nữ Chăm quận Cam
Một điệu nhảy mới lạ “Champa Pop” vừa Tây vừa Chăm qua phần trình diễn của Nisa Tu, Martin Tu, và Bon Nguyễn đã làm cho khán giả cười, hò hét, vỗ tay rung cả hội trường bởi những tài năng của họ.
Từ trái: Nissa Tu, Bon Nguyễn, và Martin Tu đang biểu diễn “Champa Pop”
Trong phần buổi sáng không thể không nhắc đến những lời phát biểu của các quan khách, đại diện của các hội đoàn đến tham dự. Đại diện cho Hội Đồng Phát Triển, ông chủ tịch Andrew Tu lên phát biểu cảm tưởng. Ông nói rằng, Hội IOC-Champa và Hội Đồng Phát Triển là hai hội đoàn “song hành” luôn luôn sát cánh bên nhau trong vấn đề đấu tranh cho nhân quyền, bảo tồn và phát huy nền di sản văn hoá Chăm kể từ năm 2007 đến nay. Ông nêu lên một số ví dụ như các cuộc tổ chức ra mắt sách, hội thảo ở San Jose, gửi các đại biểu đến Geneva và ở Thủ đô Washington đều có sự hiện diện của thành viên IOC và thành viên của Hội Đồng. Qua đó ông kêu gọi các hội đoàn Champa khác cùng hợp tác với nhau để có một sức mạnh và tiếng nói chung cho dân tộc Champa.
Cố vấn Hội Truyền thống Văn hoá Champa (TTVH-Champa), cựu dân biểu Lưu Quang Sang được BTC mời lên phát biểu. Ông cho biết rằng, mặc dù tuổi già sức yếu nhưng ông cố gắng đến dự ngày kỷ niệm 30 năm thành lập IOC-Champa, một hội đoàn Champa đầu tiên ở Hoa Kỳ. Nhân dịp này, ông cùng bày tỏ nổi niềm hân hoan giới thiệu về căn nhà mới của Hội TTVH-Champa ở Sacramento. Ông ngỏ lời mời bà con đến thăm căn nhà Hội mới này trong dịp tổ chức các lễ hội lớn của người Chăm.
Quan khách Cam-Bốt đến từ Long Beach, Ông Richer San, đại diện cho Hội The Cambodian Town phát biểu cảm tưởng của mình nhân dịp này. Ông nói rằng, mối quan hệ giữa dân tộc Champa và Khmer đã có từ lâu đời này qua sự giao hảo văn hoá, tín ngưỡng cũng như về vấn đề chính trị. Ông chúc mừng Hội IOC-Champa đã thành lập được 30 năm nay và ông hy vọng rằng Hội IOC-Champa sẽ còn tồn tại lâu hơn nữa để góp phần vào công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo tồn nền di sản văn hoá của dân tộc Champa được trường tồn.
Đại diện cho Hội Cham Muslim Santa Clara, ông Kiều Đại Thọ lên phát biểu vài lời với quan khách.
Tiếp đó có ông Imam Ghazaly Salim, vị lãnh đạo tình thần ở Santa Ana. Ông gốc người Chăm ở Cam-Bốt sang định cư ở Hoa Kỳ vào thập niên 80. Ông nói rằng, mặc dù ở người Chăm ở Campuchia không mặn mà cho lắm khi nói về dân tộc lịch sử Champa nhưng họ không bào giờ phủ nhận họ là người Chăm qua tiếng nói, trang phục của họ. Ông kêu gọi các hội đoàn Chăm nên tổ chức thường xuyên ở địa phương gần quận Cam để họ có cơ hội tiếp xúc, trao đổi văn hoá cội nguồn của họ.
Chủ tịch cộng đồng Chăm Santa Ana, ông Mohamath Ismael cũng lên phát biểu cảm tưởng của mình và cảm ơn BTC đã mời ông đến dự ngày kỷ niệm này.
Phát biểu của Chủ tịch cộng đồng Chăm Islam Santa Ana, ông Hamath Smael là phần kết thúc chương trình buổi sáng của ngày kỷ niệm 30 năm thành lập IOC-Champa.
Sau bữa cơm trưa thân mật, chương trình được tiếp tục vào phần thứ hai vào buổi chiều.
Quang cảnh bữa cơm trưa tại hội trường sinh hoạt nhật báo Người Việt
Trước khi vào phần hội thảo, BTC đã chiếu một đoạn phim tư liệu dài gần 10 phút về Hội nghị Các Dân tộc Tôn giáo ở Việt Nam diễn ra vào ngày 28 tháng 9 năm 2018 ở toà nhà quốc hội Hoa Kỳ tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Đại biểu Champa gồm có một số thành viên Hội IOC-Champa và Hội Đồng Phát Triển đến tham dự hội nghị này để hỗ trợ cho việc đấu tranh tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam.
Hội thảo ” Phương thức bảo tồn và phát huy ngôn ngữ Chăm”
Hội thảo với chủ đề “Phương thức bảo tồn và phát huy ngôn ngữ Chăm” được điều hợp bởi ông Tài Đại An, cố vấn Hội IOC-Champa. Các thuyết trình viên được BTC mời tham gia hội thảo gồm có:
- Sáng lập viên IOC-Champa, ông Hassan Poklaun
- Cố vấn Hội Đồng Phát Triển, ông Thành Phú Bá
- Cựu dân biểu, ông Lưu Quang Sang
- Cố vấn IOC-Champa, ông Kiều Đại Thọ
- Gs. Ts. Văn Ngọc Sáng
Từ trái: Cựu dân biểu Lưu Q. Sang, Thành P. Bá, Hassan Poklaun, Tài Đ. An, Kiề Đ. Thọ, và
Gs. Ts. Văn Ngọc Sáng
Trong danh sách thuyết trình viên, BTC có mời phó Gs. Ts. Po Dharma để trình bày về đề tài “Di sản vật thể văn hóa Chăm, phuơng thức quản lý hợp lý nhất”. Nhận được thư mời, ông trả lời cho BTC biết là sẽ đến tham dự. Tuy nhiên đến cuối tháng 8, ông bị phát hiện bệnh ung thư và phải điều trị tại bệnh viện cho nên ông không thể đến dự được. Để thay cho việc này, ông Tài Đại An đề nghị ông Thành Phú Bá đọc thư chúc mừng của Po Dharma gởi cho BTC vào ngày 22 tháng 11 năm 2018 mà ông đã viết trên giường bệnh tại Bệnh viện Ung thư Pháp.
Ông Hassan Poklaun trình bày đề tài: Nguyên tắc sử dụng và phổ biến chữ viết Chăm Latinh trong cộng đồng thế giới.
Ông Lưu Quang Sang trình bày đề tài: Phuơng thức hiệu quả nhất để giáo dục và quảng bá chữ viết Cham trong giới trẻ.
Ông Thành Phú Bá trình bày đề tài: Các tài liệu viết tay liên quan đến văn chuơng, văn hóa Chăm, phuơng cách tập trung và lưu trữ.
Ông Kiều Đại Thọ trình bày đề tài: Âm nhạc, nhạc cụ trong nền nghệ thuật văn hóa Cham , cách phát huy.
Gs. Ts. Văn Ngọc Sáng trình bày đề tài: Cơ sở lý luận và ứng dụng công nghệ thông tin bảo tồn chữ viết Chăm.
Trong suốt hai giờ đồng hồ trong hội trường, hội thảo ngôn ngữ chữ viết Chăm lần đầu tiên được tổ chức tại Hoa Kỳ đã gây sự chú ý của khán thính giả qua sự trình bày của Gs. Ts. Văn Ngọc Sáng. Ông là người Chăm ở palei Aia Mamih, Phan Hoà, Bắc Bình, Bình Thuận, Việt Nam. Ông là giảng viên chính tại trường Đại học Tây Nguyên, Đắk Lắk về khoa khoa học tự nhiên và công nghệ.
Nhận thấy rằng sự khó khăn và khác biệt của nhiều font Cham cài đặt cũng như cách đánh chữ trên bàn phím riêng biệt của mỗi font trên máy computer, ông đã phát minh ra những bộ gõ-keyboard mới bằng tiếng Chăm, hoàn toàn Unicode mà không cần cài đặt một bộ font Chăm nào trên computer của mình. Đây là một đột phá vô cùng quan trọng về chữ viết Chăm trên toàn cầu hôm nay. Người sử dụng bộ gõ keyboard này có thể viết bằng Akhar Thrah hoặc bằng Latinh trên mạng internet mà không bị một giới hạn nào. Những thao tác, biểu diễn về phát minh mới của ông làm cho các cụ, quí bà trong hội trường đang sử dụng lối viết truyền thống lâu nay hết sức ngỡ ngàng vì chỉ cần một cái “click” thì toàn bộ hồ sơ vài trăm trang viết bằng chữ Latinh biến thành Akhar Thrah!
Gs. Ts. Văn Ngọc Sáng đã tạo không khí trong hội trường nóng bỏng lên, tiếng vỗ tay rầm rập qua những pha mới lạ này đến mới lạ khác. Những cú pháp đánh tiếng Chăm trên điện thoại thông minh (smartphone) mà ông đang sử dụng qua hệ thống Android giống như ông đang biểu diễn những màng ảo thuật trên điện thoại!
Gs. Ts. Văn Ngọc Sáng cho biết, xây dựng được bộ gõ-keyboard bằng tiếng Chăm Unicode là ước mơ từ lâu của ông ngay từ thời còn là sinh viên. Công trình này đã mất hơn năm (5) năm mới hoàn thành. Ông cũng cho biết thêm, bộ gõ này hiện đang sử dụng trên hệ thống Android, sau này ông sẽ tiếp tục phát triển trên máy Mac, iphone của Apple và Windows của Microsoft.
Gs. Ts. Văn Ngọc Sáng đang trình bày đề tài và phát minh mới của ông
Bài thuyết trình của Gs. Ts. Văn Ngọc Sáng về đề tài “Cơ sở lý luận và ứng dụng công nghệ thông tin bảo tồn chữ viết Chăm” đã kết thúc chương trình hội thảo.
Kết luận
Chụp hình lưu niệm nhân ngày kỷ niệm 30 năm thành lập IOC-Champa
Những thành tựu mà IOC-Champa đã đạt được trong suốt 30 năm qua là một chặng đường dài không ngừng nghỉ trong công cuộc chuyển tải nền văn minh và lịch sử Champa đến cho đồng bào. Tổ chức các hội nghị quốc tế, hội thảo khoa học, bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá Champa cũng như hợp tác với các hội đoàn khác để đấu tranh cho nhân quyền, thúc đẩy sự tự do và bình đẳng cho mọi người là một nghĩa vụ cao cả của Hội IOC-Champa trong công cuộc giữ gìn và phát huy nền di sản văn hoá Champa được tồn tại lâu dài trong thế kỷ này và cho thế hệ mai sau.
Ban Tổ Chức
Kỷ Niệm 30 Năm