Kiến Nghị
GIỚI THIỆU Ngày 25 tháng 11 năm 2017 vừa qua, tập thể cộng đồng Champa ở hải ngoại đã đứng ra tổ chức ngày đại hội Tưởng Niệm 185 Năm Champa Mất Nước (1832-2017) với chủ đề Dân Tộc Bản Địa Champa tại hý viện Le Petit Trianon Theatre, 72 N 5th Street, San Jose, CA 95112, Hoa Kỳ. Sự kiện lịch sử này đã qui tụ các học giả, trí thức, khoa học, luật sư, và các nhà đấu tranh của các dân tộc bản địa trên thế giới để hội thảo về vấn đề dân tộc bản địa Champa. Nhân danh Ban Tổ Chức Đại Hội Champa 2017, chúng tôi ghi nhận có 5 vấn đề trong bản kiến nghị mà các đoàn đại biểu nêu ra trong ngày đại hội. (Bản kiến nghị chính thức của đại hội 2017 viết bằng tiếng Anh. Đây là bản dịch sang tiếng Việt để cho đồng bào trong nước tiện theo dõi)
KIẾN NGHỊ Đại hội Champa 2017 được tổ chức vào ngày 25 tháng 11 năm 2017 tại thành phố San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ dưới sự bảo trợ của Hội Văn Phòng Quốc Tế Champa (IOC-Champa), Hội Bảo Tồn Văn Hoá Champa, Hội Văn Hoá Truyền Thống Champa, Hội Đồng Phát Triển Văn Hoá Xã Hội Champa, Cộng Đồng Chăm Islam quận Santa Clara, và Hội Đồng Dân Tộc Bản Địa Việt Nam Hôm Nay (CIP-TVN). Mục tiêu của Đại hội Champa 2017 là nhằm xác định lại vấn đề dân tộc bản địa và các vấn đề văn hoá xã hội Champa. Các đoàn đại biểu thuyết trình trong ngày đại hội là những chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ từ các trường đại học, luật sư thuộc quốc gia Hoa Kỳ, Pháp, Lào, và Mã Lai cùng với các đại biểu đại diện cho cộng đồng Chăm ở Hoa Kỳ, Châu Âu, cộng đồng Tây Nguyên, Lào, Khmer Krom và Việt Nam. Điều 1: Dân tộc bản địa Chăm, Tây Nguyên, và Khmer Krom Trên phương diện lịch sử, dân tộc Chăm, một thần dân của vương quốc Champa đã có mặt từ lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam. Họ là sắc dân đã khai hoá đất đai nằm ở miền Trung Việt Nam trãi dài từ Quãng Bình cho đến Đồng Nai. Qua những cuộc Nam tiến và sự bành trướng đất đai của dân tộc Việt đã đưa đẩy dân tộc Chăm hôm nay không có quyền sở hữu mảnh đất mà tổ tiên của họ đã để lại. Dựa theo tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về quyền của dân tộc bản địa ra đời vào ngày 13 tháng 9 năm 2007 thì dân tộc Chăm là một dân tộc bản địa trên lãnh thổ Việt Nam hôm nay chứ không phải là dân tộc thiểu số mà nhà nước Việt Nam đã từng tuyên bố vì dân tộc thiểu số là nhóm người đến từ các quốc gia khác du nhập vào Việt Nam. Các đại biểu đại hội Champa 2017 yêu cầu nhà nước Việt Nam công nhận dân tộc Chăm, dân tộc Tây Nguyên, và Khmer Krom là dân tộc bản địa trên lãnh thổ Việt Nam. Điều 2: Đền Tháp, di sản tín ngưỡng thiêng liêng của dân tộc Chăm Tháp Chăm là nơi linh thiêng, thường diễn ra các lễ tục của người Chăm Ahier như lễ Katê, Ca-mbur, Yuer Yang, Peh Ba-mbeng Yang, .v.v. Theo phong tục truyền thống, tháp chỉ mở cửa cho những ngày có lễ tục và đặt dưới sự chủ trì của Po Adhia, Basaih, ông Camnei, muk Pajaw và ông Kadhar. Sau lễ tục này, các cửa tháp phải đóng kín lại và không ai có quyền mở cửa tháp nếu không có sự đồng ý của hội đồng chức sắc, sư cả Chăm Ahier. Tiếc rằng, các tháp Chăm hôm nay được chính quyền địa phương ở các tỉnh mở cửa 365 ngày trong một năm phục vụ khách du lịch để thu tiền và nguồn tài chánh thu nhập này đều nằm trong tay của sở văn hoá, trong khi đó người Chăm Ahier nghèo đói tự túc đóng góp tiền bạc để mua lễ vật cúng bái cho thần linh, lễ nghi của họ. Hành động này đã làm tổn thương, chà đạp lên di sản tín ngưỡng đời sống tâm linh của dân tộc bản địa người Chăm. Các đại biểu đại hội Champa 2017 yêu cầu nhà nước Việt Nam hãy trao trả lại các đền tháp cho dân tộc Chăm trông nom và quản lý theo phong tục truyền thống của dân tộc bản địa Chăm. Điều 3: Giảng dạy chữ viết Chăm Akhar Thrah vào các trường cấp trung học và đại học Chữ viết là yếu tố quan trọng trong hệ thống ngôn ngữ, là phương tiện để truyền đạt mọi di sản văn hoá và đời sống tâm linh của một dân tộc từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hiện nay nhà nước Viêt Nam ưu ái và quan tâm cho dạy chữ Chăm, Akhar Thrah trong các trường lớp ở bậc tiểu học nơi có người Chăm sinh sống ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Tiếc rằng, người Chăm sinh sống ở các tỉnh khác như thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Tây Ninh, v.v. không được học ngôn ngữ chữ viết Akhar Thrah, một di sản của tổ tiên họ để lại. Các đại biểu đại hội Champa 2017 yêu cầu nhà nước Việt Nam có một chính sách ưu đãi hơn và đưa ngôn ngữ chữ viết Chăm, Akhar Thrah vào chương trình giảng dạy ở các trường cấp trung học và đại học ở Việt Nam. Điều 4: Miễn học phí và cấp học bổng cho sinh viên dân tộc bản địa du học nước ngoài Giáo dục là mối quan tâm hàng đầu trong diễn đàn của đại hội Champa 2017. Đa số người dân bản địa Việt Nam hôm nay đều nghèo, khổ cho nên việc nuôi con đi học quả là một vấn đề hết sức khó khăn. Hơn nữa, mỗi năm, hàng ngàn sinh viên người Việt được cấp học bổng du học vào các trường đại học ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác, trong khi đó các con em dân tộc bản địa không hưởng được qui chế hay phúc lợi này. Điều này cho thấy sự bất công về vấn đề giáo dục trong xã hội Việt Nam hôm nay. Các đại biểu đại hội Champa 2017 yêu cầu nhà nước Việt Nam miễn học phí từ cấp tiểu học, trung học cho đến đại học, và đồng thời yêu cầu nhà nước Việt Nam tạo điều kiện có một chính sách ưu tiên và rõ ràng hơn trong việc cấp học bổng hàng năm cho con em dân tộc bản địa Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom du học ở nước ngoài. Điều 5: Quyền dân tộc bản địa dưới tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc |
Các đại biểu đại hội Champa 2017 yêu cầu nhà nước Việt Nam nhận thức rằng 4 điều yêu cầu trên đều dựa vào quyền dân tộc bản địa của Liên Hiệp Quốc ra đời vào ngày 13 tháng 9 năm 2007 mà nước Việt Nam là thành viên đã ký vào bản tuyên ngôn này chứ không phải đại hội Champa 2017 hô hào, cổ suý đồng bảo Chăm vùng dậy đấu tranh bằng vũ lực, đòi lại vương quốc Champa xưa kia.
Trân trọng kính chào,
Qasim Tu
Trưởng Ban Tổ Chức
Đại Hội Champa 2017