Vương Quốc Champa Địa Dư, Dân Cư và Lịch Sử
Gs. Ts. Pièrre-Bernard LAFONT
Chuyển ngữ sang tiếng Việt bởi
Hassan Poklaun
Lời mở đầu
Champa là một vương quốc xuất hiện tại miền trung Việt Nam từ thế kỷ thứ II cho đến đầu thế kỷ thứ XIX. Vào những thời kỳ vàng son nhất, lãnh thổ Champa bao gồm vùng đồng bằng duyên hải và cả khu vực cao nguyên của miền trung Việt Nam hiện nay, nằm giữa hai bán vĩ tuyến 18 và 11.
Thế kỷ thứ X là thời kỳ đánh dấu cho trang sử huy hoàng nhất của Champa, nhưng cũng là giai đoạn mà vương quốc này bắt đầu đối phó với Đại Việt vừa mới thoát ra khỏi nền đô hộ của Trung Hoa để tạo cho mình một quốc gia có chủ quyền. Kể từ đó, vương quốc Đại Việt khởi đầu làm áp lực với Champa càng ngày càng lớn mạnh, gây ra sự xụp đổ thủ đô Vijaya (Đồ Bàn) vào năm1471, kéo theo cuộc Nam Tiến nhằm xâm chiếm lãnh thổ phía bắc của Champa đồng thời phá tan cả truyền thống Ấn Giáo, vốn là yếu tố cơ bản trong tiến trình phát triển nền văn minh của vương quốc này. Mặc dầu lãnh thổ Champa bị thu hẹp vào khu vực ở phía nam kể từ thế kỷ Vuơng quốc Champa thứ XV nhưng vương quốc Champa vẫn còn tồn tại với danh nghĩa là một quốc gia độc lập có chủ quyền, tiếp tục biểu dương sức năng động của mình để củng cố lại hệ thống tổ chức xã hội và dung nạp thêm các giá trị tinh thần mới để xây dựng cho mình một nền văn minh có đặc thù rất là riêng biệt.
Trên bình diện bang giao quốc tế, Champa không ngừng gia tăng các mối quan hệ với các nước lân bang. Trước sức ép không ngừng của Đại Việt, một quốc gia láng giềng ở phía bắc với dân số phát triển càng ngày càng đông đúc, vuơng quốc Champa phải đương đầu với bao biến cố để bảo vệ biên giới của mình càng ngày càng thu hẹp lại. Một khi không đủ sức ngăn chặn cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt, Champa chỉ còn cách là làm trì hoãn lại bước tiến của họ về phía nam của bán đảo Đông Dương trong suốt ba thế kỷ rưỡi, vì nhà Nguyễn chỉ thành công chiếm trọn lãnh thổ của quốc gia này vào năm 1832.
Sau khi bị xóa tên trên bản đồ thế giới, vương quốc Champa chỉ để lại cho thế hệ hôm nay một chuỗi di tích lịch sử cổ xưa, một số văn bản ghi khắc trên bia đá hay trên đền tháp, một số tư liệu viết trên các lá buông cũng như trên giấy và một cộng đồng chủng tộc rất tự hào cho mình là những người thừa kế một nền văn minh đã từng đánh dấu những nét vàng son trên trang sử của bán đảo Đông Dương.
Cho đến đầu thế kỷ XXI này, những thành tựu nghiên cứu về Champa chỉ phát triển trong một tầm mức rất là giới hạn. Chính vì thế, các công trình nhằm xây dựng lại một cách khái quát về quá trình của Champa, về dân cư của vương quốc này kể cả dân cư còn sống sót hôm nay cũng như các phuơng án nhằm phân tích lại một cách khách quan hơn những yếu tố lịch sử của nó, đã trở thành một chủ đề cần thiết và hữu ích nằm trong tác phẩm này.
Địa dư
Mãi đến cuối thế kỷ thứ XX, các nhà nghiên cứu thường cho rằng lãnh thổ Champa trong những thời vàng son nhất vào thế kỷ thứ IX chỉ nằm trên dải đất của miền duyên hải chạy dài từ mũi Hoành Sơn ở phía bắc cho đến sông Đinh (Bà Rịa-Vũng Tàu) ở phía nam và bề rộng của vương quốc này rất lẩ eo hẹp bị giới hạn từ bờ biển Nam Hải cho đến chân núi của dãy Trường Sơn mà thôi. Hay nói một cách khác, lãnh thổ của Champa chỉ bao gồm các vùng đồng bằng duyên hải của miền trung Việt Nam hiện nay. Đây chỉ là một giả thuyết không thuyết phục cho lắm, vì gần 20 năm qua, các tư liệu lịch sử, di sản khảo cổ và các văn bản còn lưu lại đã chứng minh rằng lãnh thổ Champa chẳng những nằm trên miền duyên hải ở phía đông mà còn bao gồm, tùy theo giai đoạn của lịch sử, cả khu vực Tây Nguyên của dãy Trường Sơn nằm ở phía tây, có độ dốc chạy thoai thoải cho đến sông Cửu Long (Mékong).
Vào năm 914, các bia ký thuộc giáo phái Phật Giáo đại thừa tìm thấy ở khu vực Kon Klor (Kontum) cho biết lãnh thổ Champa bao gồm cả vùng cao nguyên Kontum. Một bia ký khác viết vào thế kỷ XII nằm trong khu vực của Mĩ Sơn cũng nhắc đến cộng đồng Vrlas và Randaiy, tức là một tập thể tộc người Tây Nguyên có địa bàn dân cư nằm trên khu vực Lâm Đồng, Gia Lai (Pleiku) và Đắc Lắc đã từng phục tùng vua chúa Champa. Điều này đã ám chỉ rằng Tây Nguyên là khu vực nằm trên lãnh thổ phía tây của vương quốc Champa trước kia.
Bước sang thế kỷ thứ XIII, một số chú thích trong tác phẩm Yuan-che (CCX 55a) của Trung Hoa và nhật ký của Marco Polo liên quan đến cuộc tiến quân của Mông Cổ nhằm chinh phạt Champa vào năm 1283-1285 cũng công nhận rằng lãnh thổ Champa vào thời kỳ đó bao gồm cả khu vực cao nguyên Kontum và Pleiku. Thêm vào đó, sự hiện diện của các đền tháp Champa vào thế kỷ thứ XIV và XV tại thôn Phú Thọ gần Pleiku, một số đền tháp khác nằm trong tỉnh Phú Bổn (Cheo Reo), thung lũng Ia Ayun và Sông Ba và xa hơn nữa, tại khu vực Yang Prong thuộc về phía nam của Đắk Lắk (Ban Mê Thuột) cấu thành một yếu tố vững chắc nhằm xác nhận rằng Tây Nguyên là khu vực nằm trong biên giới chính trị của vương quốc Champa thời trước. Cuối cùng, các tư liệu viết bằng chữ Hán, chữ Chăm, các hồi ký của những thương thuyền Âu Châu vào thế kỷ thứ XVII-XIX cũng như các truyền thuyết dân gian của các tộc người bản địa tại miền trung Việt Nam và Lào quốc cũng thường đưa ra những yếu tố nhằm minh định rằng kể từ thế kỷ thứ XVI cho đến ngày diệt vong của Champa vào năm 1832, lãnh thổ của vương quốc này bao gồm một phần đất đai của dãy Trường Sơn và khu vực đồng bằng nằm về phía tây.
Tóm lại, về mặt địa dư, đất nước Champa là một vương quốc nằm ở miền trung Việt Nam bao gồm miền duyên hải, khu vực Tây Nguyên kể cả các dãy núi của Trường Sơn.
Vùng duyên hải của Champa
Từ bắc xuống nam, miền duyên hải Champa trải dài khoảng 800 cây số và không quá 50 cây số chiều ngang, bao gồm các vùng đồng bằng và châu thổ (delta) nhỏ hẹp, thường tách rời với nhau bởi các mũi đá nhô nối liền từ chân núi Trường Sơn cho đến bờ biển Nam Hải (Vũ Tự Lập, Việtnam. Données geographiques, Hanoi, 1977). Các mũi đá nhô này thường chia cắt miền đồng bằng thành nhiều vùng eo hẹp rất khó mà băng qua. Tư thế địa dư thiên nhiên này đã biến Champa thành nhiều khu vực tự trị có bản sắc và đặc thù riêng mà các bia ký và văn bản thường nhắc đến.
Lúc ban đầu, Champa là một quốc gia có đất đai rộng lớn. Vào năm 1069 và 1306, vương quốc này đã nhường lại cho Đại Việt hai khu vực nằm trên lãnh thổ của tỉnh Bình-Trị-Thiên có ranh giới phía bắc là mũi Hoành Sơn và ranh giới phía nam là đèo Hải Vân (núi Bạch Mã), vốn là một bức màng ngăn chận khí hậu một cách tự nhiên. Về phía đông của Bình-Trị-Thiên là khu vực eo biển không cao cho lắm, thường là nạn nhân của các luồng gió, dòng nước, hồ nước mặn và nhất là nạn nhân của các sóng biển và trận bão nhiệt đới thường xảy ra hàng năm vào tháng 9 và tháng 10. Phía tây của khu vực này là các ngọn núi với các đỉnh cao vượt từ 1200 đến 1500 thước. Buồng ngăn này bao gồm nhiều vùng đồng bằng (Ròn, Đồng Hới, Lệ Thủy, Thừa Thiên, v.v..) mà bề ngang không bao giờ vượt quá 20 cây số mà phần đất phì nhiêu để canh tác thường bị thu hẹp lại và được tưới bởi nhiều dòng nước.
Về phía nam của đèo Hải Vân là khu vực Đà Nẵng (Tourane) có biên giới phía nam là núi Chùa, biên giới phía tây là đỉnh núi với bề cao hơn 1000 thước. Bên cạnh chân núi có nhiều gò cao lớn và nhỏ. Về phía đông là các hồ nước mặn với các cồn cát của bờ biển. Ở trung tâm là đồng bằng của tỉnh Quảng Nam gồm các thung lũng rộng lớn chạy dọc theo các bờ sông của nó. Đất đai phì nhiêu của đồng bằng thường sản xuất nhiều vụ mùa lúa quan trọng. Giữa các thế kỷ VII và XIII, vùng này là trung tâm văn hóa và chính trị của vương quốc Champa. Các di tích lịch sử nằm ngổn ngang trên khu vực Trà kiệu, quần thể Mĩ Sơn và Đồng Dương v.v. cấu thành những yếu tố cụ thể để chứng minh cho lý thuyết của chúng tôi.
Về phía nam của núi Chùa là đồng bằng Quảng Ngãi. Vùng này được tưới nước bởi những dòng sông nhỏ, thuờng bị ngăn cách với nhau bởi các dãy núi đá cứng.
Các con sông này vào mùa mưa thường hay lũ lụt và vào mùa khô thì khô ráo. Các dấu tích còn hiện hữu nằm trong tiểu vương quốc Amaravati, tức là khu vực Quảng Nam- Quảng Ngãi, đã giải thích thế nào là công trình dẫn thủy nhập điền vô cùng đồ sộ mà vua chúa Champa đã thực hiện trong quá khứ.
Ở phía nam Quảng Ngãi là đồng bằng bị ngăn lại ở phía tây bởi các ngọn núi Bình Định có chiều cao từ 1000 đến 1500 thước. Nằm ngay bên chân núi là cánh đồng ruộng lúa bậc thang chồng lên nhau từng lớp được xem như là một kỹ thuật dẫn thủy nhập điền của tiểu vương quốc Vijaya tồn tại cho đến năm 1471. Phía nam của cánh đồng này là đèo Cù Mông. Phía đông của nó là bờ biển san hô và một số mỏm đá lởm chởm. Từ bắc xuống nam của khu vực này có nhiều cánh đồng, như cánh đồng Bồng Sơn, Phú Mỹ và Qui Nhơn, thường bị tách rời với nhau bởi các mũi núi nhô. Được tưới nước bởi nhiều con sông, các cánh đồng này cấu thành một khu vực có đất đai rất là màu mỡ.
Đi xuống về phía nam của tiểu vuơng quốc Vijaya (Bình Định) là lãnh thổ của tỉnh Phú Khánh hiện nay thuộc tiểu vương quốc Kauthara. Khu vực thứ nhất của nó nằm giữa đèo Cù mông và mũi Varella, nối dài đến hòn Vọng Phu bao gồm nhiều cánh đồng nhỏ hẹp nằm ép với chân núi với chiều cao khoảng 1000 thước có vị trí rất gần với bờ biển ghồ ghề. Một khu vực ngoại lệ là đồng bằng Tuy Hòa nằm trên châu thổ và trên thung lũng có độ cao trung bình của sông Đà Rằng. Qua khỏi mũi Varella xuống về phía nam là những ngọn núi nhỏ biệt lập và những vịnh nước biển đôi khi rất sâu thường bị khép lại bởi những bán đảo như vịnh Cam Ranh hay bởi những hòn đảo như vịnh Nha Trang. Vị trí địa dư này thường làm eo hẹp lại diện tích của các cánh đồng thiên nhiên, như cánh đồng Ninh Hòa, Nha Trang hay Ba Ngòi. Vì đất xấu và khô ráo hang năm, đồng bằng này không mang lại nguồn sản xuất nông nghiệp đáng kể. Khu vực thứ hai nằm trong tiểu vương quốc Kauthara là cồn cát trải dài từ chân núi đến bờ biển.
Qua khỏi khu vực Kauthara (Nha Trang) là đồng bằng của tiểu vương quốc Panduranga nằm trong hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay. Đây là vùng địa dư có rất nhiều cồn cát, chia thành ba miền riêng biệt. Về hướng bắc là cánh đồng Phan Rang trải dài đến tận mũi Dinh còn gọi là Cap Pandaran và bị chặn lại phía tây bởi các núi đá dốc. Cánh đồng này có những ngọn núi rải rác và biệt lập, ăn nước sông Kinh Dinh và các phụ lưu của nó, nhưng chịu sức nóng do ánh sáng mặt trời gay gắt và ít mưa. Lượng nước trung bình ít hơn 700 mm, vì dãy Trường Sơn và hướng biển đã ngăn nó khỏi các cơn mưa mùa Đông. Đồng bằng Phan Rang là khu vực thường bị áp đảo bởi các luồng gió khô ráo, thường trở thành một vùng địa dư có khí hậu rất là khô hạn, đòi hỏi việc cung cấp nước để trồng trọt. Chính vì thế, công việc dẫn thủy nhập điền đã trở thành một ngành kỹ nghệ nông nghiệp hàng đầu của người dân Panduranga xưa kia. Phía đông của cánh đồng này là cồn cát chạy dài đến tận Mũi Dinh tiếp nối với ruộng muối Cà Ná đã được khai thác từ nhiều thế kỷ qua. Và cuối cùng là tiểu cánh đồng Tuy Phong. Về phía Nam của Tuy Phong là cánh đồng Phan Rí có hiện tượng khí hậu rất gần gũi với khu vực ở Phan Rang. Cánh đồng này bị giới hạn về phía đông bởi các bờ biển đất cát và phía Tây bởi núi đồi. Lượng nước mưa của nó gia tăng từ từ khi đi vào miền nam, nhưng không kém hơn đồng bằng Phan Rang. Hết khu cồn cát là cánh đồng Phan Thiết rộng hơn bốn lần so với cánh đồng Phan Rí. Mặc dù với lượng nước mưa trung bình 1200 mm hằng năm và được tưới bởi nhiều dòng sông ngắn, cánh đồng này cũng cần hệ thống dẫn thủy nhập điền để phát triển nông nghiệp, bởi vì đất đai canh tác của nó là đất cát nằm chồng lên lớp đất biển.
Sau cánh đồng Phan Thiết là cồn cát nằm phủ lên các bờ biển và các bãi cát nối tiếp với các vùng đầm lầy. Khu vực hoang vu này là biên giới tự nhiên giữa Trung Việt và Nam Việt và cũng là biên giới phía nam của Champa trước đây.
Nhìn qua bản đồ địa hình của Trung Việt xưa kia, nguời ta có thể đưa ra kết luận rằng diện tích đồng bằng đất thấp của Champa rất là thu hẹp, vì dãy Trường Sơn chạy dài từ mũi Hoành Sơn nằm quá kề cận với vùng biển đã làm rút ngắn lại chiều dài của các con sông. Ngoài ra, các độ dốc từ vùng núi thường bị các dòng nước thượng lưu khoét mòn, mang theo đá sỏi và cát bồi xuống vùng đất thấp. Những vật liệu này, nhất là ở miền trung, đã tô bồi các vịnh nước, các hồ nước mặn và cuối cùng cấu thành các đồng bằng hiện tại. Ngược với dòng nước thượng lưu, các dòng hạ lưu của các con sông này có một độ dốc rất là yếu kém cho nên đôi khi khó kiếm một lối thoát ra biển và thường băng qua các khoảng cách rất dài chạy song song với biển trước khi thoát vào đại dương.
Ai cũng biết rằng khí hậu hải phận của Champa rất nóng nực và ẩm thấp. Nhiệt độ trung bình thay đổi giữa 30 độ C vào tháng bảy Tây Lịch và 20 độ C vào tháng giêng Tây Lịch, nhưng nhiệt độ tối đa nằm giữa 40 độ C và 15 độ C ở Huế. Khí hậu này chịu ảnh hưởng của gió mùa. Vào mùa đông, các luồng gió thổi từ đông-bắc sang tây-nam và vào mùa hạ, từ tây-nam sang đông-bắc. Các luồng gió này có tác dụng đến sự sinh hoạt của nghề hàng hải cho đến sự ra đời của ghe thuyền chạy bằng hơi nước. Về lượng nước mưa, nó thay đổi tùy theo vĩ tuyến cũng như hướng biển và hướng núi. Các cơn mưa diễn ra tối đa từ tháng chín đến tháng giêng Tây Lịch ở ven biển miền trung và từ tháng mười đến tháng mười hai Tây Lịch ở miền nam. Lịch trình của các mùa mưa này phát xuất từ hệ thống gió mùa diễn ra vào mùa đông, từ áp lực không khí rất là đặc biệt và nhất là từ các trận bão nhiệt đới – trung bình chín trận hằng năm – thường hay càn quét bờ biển vào tháng mười và mười một. Ngược lại, vào mùa hạ là mùa khô ráo kéo dài một thời gian khá lâu, bồi thêm bởi các ngọn gió nóng cháy da từ hướng tây thổi xuống theo các khe núi của dãy Trường Sơn. Tình trạng mùa khô càng ngày càng gia tang bởi nạn bốc hơi quá cao.
Các lớp đất của vùng đồng bằng thường là đất phù sa. Số còn lại thuờng chứa một loại đất đá cứng và một số khác rất hiếm chứa loại đất đá bazan của núi lửa. Loại đất thứ nhất thường rút nước rất nhanh, bởi vì nguyên liệu gồm có đất cát. Càng xuống về phía nam thì nguyên liệu đất cát càng tăng thêm. Cộng với các yếu tố sinh thái địa phương, loại đất này chỉ nuôi dưỡng cho một loại cây cối thường có gai. Bởi vì thế, nếu muốn biến khu vực này thành đất đai để trồng trọt thì người ta phải phát triển mạnh việc dẫn thủy nhập điền. Đây là công trình mà người dân Champa sống ven biển trước kia đã từng thực hiện. Các di tích còn lưu lại tại miền trung Việt Nam cho đến hôm nay đã chứng minh cho các nổ lực về kỹ thuật dẫn thủy nhập điền mà vương quốc Champa đã từng phát triển nhằm khai thác các khu vực quá khô ráo (Nguyen Thieu Lau, “Les étangs desséchés de la réion de Mường-Mán”, trong Institut Indochinois pour l’Etude de l’Homme V-1, 1942, trg. 131-134 + 5 planches). Tuy nhiên ngành kỹ nghệ này vẫn không bao giờ cho phép phát triển nhanh chóng việc sản xuất nông nghiệp để làm gia tăng dân số của vương quốc Champa.
Vùng cao nguyên của Champa
Miền tây của đồng bằng duyên hải Trung Việt có một hình thái thiên nhiên rất khác biệt giữa phía bắc và phía nam của núi Bạch Mã (Thừa Thiên và Đà Nẵng). Về phía bắc của núi này, các đồi đá cứng xuất hiện giống các mắc xích theo hướng tây-bắc / đông-nam (núi Voi Mẹp, núi Đông Ngai). Về phía nam là khu vực có các đồi núi (núi Chùa ở Quảng Ngãi, núi Kontum, núi Ba ở Bình Định), kết hợp thành một dãy rất cao và có độ dốc đứng thẳng theo chiều bắc nam xuống các vùng đất thấp. Về phía tây của độ dốc này là dãy cao nguyên trùng điệp. Bắt đầu từ núi Vọng Phu đến mũi Varella là khu vực địa dư có hình thái xếp ngang xuất phát từ những ngọn núi Châk Yang, núi Bi Dup (Khánh Hòa), núi Langbian (Lâm Đồng), núi Brah Yang, núi Yung (Bình Thuận) chạy dài liên tục, hết núi này sang núi kia, đi xuống về phía bờ biển tạo thành các vùng đồng bằng nhỏ hẹp như đã đề cập ở phần trên.
Mặc dù không hoàn toàn là một dãy Trường Sơn (cordillère) mà ngược lại là mép rìa (rebord) của cao nguyên hướng về phía nước Lào có độ cao không quá 2610 mét, các dãy đỉnh cao này chạy dài từ ngọn núi Ataouat (2500 mét) nằm trên bắc vĩ tuyến 16 cho đến núi Vọng Phu (Nha Trang) kết thành một bức màng ngăn chận khí hậu giữa miền duyên hải của miền trung Viêt Nam chịu ảnh hưởng của gió mùa cũng như các trận bão nhiệt đới và nước Lào có thời tiết mùa đông hoàn toàn khắc hẳn.
Tựa lưng vào tuyến cao điểm ngự trị cả đồng bằng duyên hải bắt đầu từ núi Bạch Mã là khu vực bao gồm những vùng cao nguyên đi xuống thoai thoải từng chồng, chạy về mạn sông Cửu Long (Mékong).
Cao nguyên đầu tiên của Tây Nguyên là cao nguyên Kontum mà phần phía nam trải dài ra khỏi biên giới Pleiku đã nhận một lượng nước mưa trung bình 2500 mm giữa năm 1950 và năm 1960. Cao nguyên này có chiều cao không quá 800 mét là khu vực có núi lửa hoạt động xưa kia đã lưu lại các di tích của chóp núi lửa như núi Hodrung, các hồ nước trên miệng núi lửa như hồ Tonueng và các đất đai thích hợp cho việc trồng trọt. Các vùng đất này xưa kia là rừng rậm mà một phần bị con người tàn phá. Vào năm 1950, người ta thấy khu vực này có nhiều chỗ bị tàn phá để biến thành rừng cây tre, như cao nguyên Pleiku (vùng Gia Lai). Về phía đông cao nguyên này là bậc thềm đi xuống đồng bằng duyên hải như vùng An Khê với độ cao khoảng 400 mét ăn nước tưới dồi dào và có một ngọn đèo mang tên đèo An Khê tiếp giáp bờ biển, với độ cao ngang với Qui Nhơn. Về phía nam của cao nguyên An Khê là thung lũng Cheo Reo (Phú Bổn) trải dài theo các con sông Ya Ayun và sông Ba, tức là nơi cao điểm của sông Đà Rằng chảy xuống biển gần Tuy Hòa.
Tiếp theo cao nguyên Kontum chạy xuôi về phía nam là cao nguyên Đắc Lắc đã tiếp thu vào các năm 1950-1960 một lượng nước trung bình 1500 mm. Với độ cao từ 600 đến 700 mét, cao nguyên này hiện ra giữa Cheo Reo và Ban Mê Thuột như một tấm thảm đá bazan hơi gợn sóng. Đất trồng của nó rất màu mỡ ăn nước sông Srê Pốc (Srépok) thượng, một phụ lưu của sông Mé Kong, bị cắt đoạn bởi nhiều thác nước như thác Dray Hlinh. Càng đi sâu về phía nam, nguời ta thấy những thung lũng rộng lớn lẫn lộn với những khu vực có mô hình không rõ rệt thuờng hiện ra các hồ nước, như hồ Lak, các ao nước và các đầm lầy. Về phía đông của cao nguyên này là khu vực bậc thềm kết hợp với các vùng đất thấp, vùng đất sụp của Khánh Dương (M’Drak) cấu thành một đồng bằng khoáng chất với đá bazan mà đèo Yok Kao (Phượng Hoàng) mở cửa xuống vùng Ninh Hòa. Gần một thế kỷ qua, ngoài các khu vực đã được xử dụng để trồng trọt, đất đai chung của vùng này, nhất là khu vực phía bắc, vẫn còn là quang cảnh của những khu rừng thưa, những bãi trống, những đồng cỏ và về phía nam là những khu rừng rậm rất là tươi tốt.
Về phía nam của cao nguyên Đắk Lắk là một loạt các đỉnh núi lửa mà một số có độ cao đến 2400 mét, như ngọn Chưk Yang, ngự trị trên một cao nguyên gọi là cao nguyên Langbian với độ cao trung bình là 1500 mét. Cao nguyên này với độ cao rất gồng gềnh, gồm các loại đá núi lửa mà một số tác giả còn gọi cao nguyên Đà Lạt, có nhiều thung lũng và hồ nước như hồ Mê Linh và thác nước như thác Cam Ly. Cao nguyên này là khu vực trù phú phát xuất từ các rừng thông, các bãi cỏ, các hoa mầu. Về phía đông nam, cao nguyên này chạy dài về phía biển theo một loạt khu đất bậc thang (terrasse), chẳng hạn khu đất bậc thang Dran (Đồn Dương) rất là nổi tiếng. Nếu cao nguyên này đi về các hướng khác, thì nó thường chấm dứt bằng các sườn núi hơi dốc đứng.
Về phía tây của cao nguyên Langbian là cao nguyên ba biên giới Đak Nông, còn được gọi là cao nguyên Chhlong thượng. Thực ra nó chỉ nối dài cao nguyên Đắk Lắk về cạnh nam-tây-nam và có quang cảnh của các ngọn đồi phủ lấp bởi đá sạn. Với độ cao trung bình 1000 mét, cao nguyên này bị chia cắt thành những thung lũng sâu với các bờ sườn có độ dốc đứng. Phủ lớp bởi đá cát, đá xít (diệp thạch) và đôi lúc bởi đá bazan, đất đai của ba biên giới Đak Nông không phì nhiêu cho lắm. Thêm vào đó, nhiều sườn núi dốc đứng của nó đã tạo ra những con lạch vào mùa mưa và tình trạng thiếu nước vào mùa hạn.
Về phía nam cao nguyên Langbian là cao nguyên Di Linh hiện ra như là bực thang thấp của Langbian. Với độ cao từng bậc giữa 800 mét và 1000 mét, cao nguyên này là một đồng bằng lõm gồm có đá cát và đá bazan, bị chia cắt thành nhiều khu vực bởi con sông Đồng Nai Thượng và các phụ lưu của nó tạo ra. Cao nguyên Di Linh thường có những thung lũng với đất đai trồng trọt rất là màu mỡ. Ăn nước mưa dồi dào với lượng nước mưa trung bình hằng năm là 2115 mm, cao nguyên này là khu vực rừng rậm lúc ban đầu tại các vùng cao, nhưng thường nhường chỗ cho các khu rừng xuống cấp do con người gây ra.
Khí hậu miền cao nguyên ở miền trung Việt Nam thay đổi theo từng vùng. Nhưng đại để, người ta ghi nhận rằng từ tháng năm đến tháng chín Tây Lịch là mùa ẩm thấp với mây mưa và sương mù. Vào tháng mười cho đến tháng tư thì là mùa khô, tức là thời kỳ tươi mát nhất tùy theo độ cao. Cao nguyên Langbian, nhiệt độ thường xuống đến 10 độ C vào tháng hai. Nhiệt độ trung bình hằng năm thay đổi tùy theo kinh tuyến và vĩ tuyến (+20 độ C / -2 độC ở phía bắc cao nguyên Kontum và 24,6 độ C trung bình để rồi xuống cho đến 8 độ C tại trung tâm của cao nguyên Đắk Lắk).
Cho đến thế kỷ XX, các vùng cao nguyên này vẫn là khu rừng rậm với nhiều hương thơm khác biệt gồm các loại cây hương trầm như loại cây aloès, cây bàng, cây santal cấu thành một thị trường dành cho nguời Ả Rập và người Nhật. Cao nguyên này cũng có nhiều loại thú rừng như con voi tại cao nguyên Đắk Lắk, vùng ba biên giới và Di Linh mà các chiếc ngà đã được xuất khẩu đi khắp Á Châu; bò rừng và trâu rừng trên các cao nguyên Kontum, An Khê và Langbian; con họ hươu (cervidé) trên khắp cao nguyên và bình nguyên; cọp rừng mà da của nó thường ghi lại trong danh dách hàng hóa của thuơng thuyền di chuyển từ Đà Nẵng đến Malithit (Phan Thiết) trong vương quốc Champa thời đó; con tê giác mà sừng và xương cốt của nó cấu thành các món hàng thương mại rất quí giá. Đến giữa thế kỷ XX, dân cư trên các vùng cao nguyên Kontum, Pleiku, Đắk Lắk, Dinh Linh và vùng Ba Biên Giới chỉ gồm những người dân bản địa Đông Dương. Họ chuyên sống về nông nghiệp phá rừng làm rẫy du canh theo mùa, di chuyển từ vùng này sang vùng khác sau khi đất đai đã hết màu mỡ. Tỉ lệ dân số trong vùng này rất thấp và nơi cư trú rất là thưa thớt (J. Boulbet, “Le Miir, culture itinérante sur brulis avec jachère forestière en pays Maa”, đăng trong tạp chí Bulletin de l’École Francaise d’Extrême Orient LIII-1, 1966, trg 77-98).
***
Như chúng ta vừa nhìn qua, đồng bằng nằm dọc theo bờ biển của Champa có ít đất trồng trọt và vì thế chỉ có thể cung cấp một sản lượng nông nghiệp rất là hạn chế và cố định. Sản lượng nông nghiệp là yếu tố góp phần vào việc gia tăng dân số rất nhanh chóng, với điều kiện là vương quốc Champa phải gia tăng diện tích trồng trọt.
Nhưng vì lý do tôn giáo, Champa không thể mở rộng đất đai của mình ra khỏi biên giới được qui định bởi thần linh của vuơng quốc này. Chính đó là nguyên nhân giải thích tại sao các cuộc chiến do Champa khởi xướng không phải là cuộc chiến xâm chiếm đất đai. Và sau những cuộc chiến thắng quân sự, vuơng quốc này cũng không bao giờ sát nhập đất đai của nước láng giềng thua trận vào lãnh thổ của quốc gia mình (“La notion de frontière dans la partie orientale de la peninsule indochinoise” trong tác phẩm Les frontières du Vietnam, Paris, L’Harmattan, 1989, trg. 18-19). Điều này cũng giải thích thêm tại sao dân số tại các vùng đồng bằng Champa đã không thay đổi trong suốt chiều dài của lịch sử.
Cao nguyên của Champa bao gồm nhiều khu vực rộng lớn chứa nhiều rừng rậm, nhưng dân cư của vương quốc này không biết cách khai thác, chỉ bám vào hệ thống nông nghiệp cổ truyền bằng cách đốt rừng khai hoang để chuẩn bị đất trồng. Phuơng pháp này không cho phép phát triển ngành trồng trọt một cách liên tục trên một khu đất vì chu kỳ màu mỡ của lớp đất chỉ có giới hạn. Chính đó là nguyên nhân làm suy giảm năng suất thu hoạch. Đây cũng là yếu tố đã làm cho dân số đọng lại nếu không canh tân hệ thống sản xuất như chính sách nông nghiệp đã từng phát triển vào giữa thế kỷ XX.
Điểm cuối cùng mà nguời ta không thể bỏ qua được đó là sự chia cắt đất đai vùng ven biển bởi trạng thái thiên nhiên của địa dư và hệ thống sản xuất đốt rừng khai hoang trên các vùng cao nguyên đã ngăn trở việc liên đới chặt chẽ giữa các dân cư Champa. Tại miền duyên hải, dân cư sinh sống ít khi liên hệ với nhau vì các chướng ngại núi non mặc dù có thể vượt qua dễ dàng. Trên cao nguyên, các dân cư cũng bị cô lập từng khu vực bởi các vùng đất bỏ hoang chờ cho đất mầu tái sinh.
Hằng bao thế kỷ qua, yếu tố địa dư đã làm trì hoãn đi đà phát triển dân số và hệ thống tổ chức của xã hội Champa. Trong khi đó, bên kia phía bắc ranh giới của Champa, dân tộc Việt làm chủ một địa bàn canh tác vô cùng rộng lớn bao gồm châu thổ của sông Hồng Hà cũng Vuơng quốc Champa như các đồng bằng miền bắc như vùng Thanh Hóa chẳng hạn, và không ngừng sản xuất vụ mùa hằng năm. Đó cũng là yếu tố đã làm gia tăng dân số dân tộc Việt một cách nhanh chóng và phát triển hệ thống liên đới của họ một cách chặt chẽ hơn. Một khi cuộc chiến bùng nỗ giữa hai quốc lân bang, vấn đề địa dư đã trở thành một yếu tố thuận lợi về phía Đại Việt và rất là bất lợi cho vương quốc Champa.